Uncategorized

Muốn cuộn tròn và nhắm mắt

Dạo gần đây các buổi sáng mình khó dậy hơn trước. Giờ là 10h18 và mình mới chỉ bắt đầu ngồi vào máy tính, luẩn quẩn quanh những suy nghĩ không đâu.

Mình bị buồn. Mình đã có những tháng vô tư, vui vẻ và thoải mái cho đi những gì mình có thể. Nhưng cảm giác rằng càng làm như vậy, mình càng bị xa lánh. Mà mình cũng đâu cần bám víu hàng ngày, hàng tuần hay hàng tháng. Mình sẽ tìm cách dễ miêu tả.

Điều luôn hiển hiện trong tâm trí mình nhiều nhất, không phải là cảm giác có người yêu, nhớ về người yêu cũ, hay có người chăm sóc hỏi han. Mà là mình nhớ đến khoảng thời gian mình có một đứa “em gái kết nghĩa”. Đừng có nghĩ bậy bạ theo định nghĩa 2020-2021, vì lúc đó bọn mình thực sự là anh em/ là bạn, không có một chút romantic nào cả.

Vậy cảm giác đó là gì mà mình lại nhớ đến vậy? Bọn mình thân nhau, thân đến cái mức trở thành cuốn sổ tay của nhau. Không phải nhật ký, không phải facebook để hơi tí lại up lên, nhưng chắc chắn là những gì quan trọng nhất sẽ kể cho nhau nghe. Có những thứ khó nói ra, không thể chia sẻ cùng ai, thì có người kia biết. Chúng mình không gặp nhau nhiều, có khi nửa năm một lần, 1 năm một lần. Nhưng khi đã gặp thì biết là sẽ dành cả ngày cho nhau. Luôn có hẹn giờ đến, chứ không bao giờ báo giờ sẽ về.

Cái hay của kiểu gặp gỡ này, là ta biết ta sẽ cần và muốn tập trung vào hiện tại, hiện diện ở ngay đó và cảm nhận, lắng nghe những gì đang diễn ra lúc đó. Vì đối với mình, ngày hôm đó thật quan trọng. Quan trọng vì nó hiếm, quan trọng thứ 2 là vì cả hai đều biết rằng muốn gặp nhau ngày hôm nay. Lúc đó mình có thể cảm nhận được rõ ràng nhất, có người đang hiện diện ở đây vì mình, họ quan tâm đến cuộc sống của mình, và mình cũng vậy.

Khi nói chuyện, 2 đứa dành toàn bộ chú ý vào cuộc nói chuyện. Không lo lắng ngày mai có deadline gì. Không vừa nghe đứa này kể vừa nghĩ ngợi linh tinh. Mọi thứ đều nằm ở hiện tại, có nhau hiện hữu ở đó, toàn tâm toàn ý.

2 đứa có thể kể trên trời dưới biển, nhưng chắc chắn nhiều nhất sẽ là những sự kiện ấn tượng của đời mình để catch-up. Rồi tâm sự mấy cái không thể giãi bày, rồi gỡ rối cho nhau, hoặc ít nhất là khi về thì có một vài phương án để thử. Thế là kết thúc một cuộc gặp, một cuộc trò chuyện.

Khi không gặp nhau thì 2 đứa chả bao giờ nhắn tin. Một đứa thì chăm đăng fb, một đứa thì lười, nhưng tuyệt nhiên ít khi like ảnh nhau. Không phải vì chúng mình thượng đẳng, mà chỉ đơn giản 2 đứa không cần dùng like để biết rằng còn quan tâm đến nhau, dù kể cả một năm không gặp. Cả hai đều biết mình có vị trí như thế nào trong lòng người kia, không cần định danh, nhưng chắc chắn đủ quan trọng. Cả 2 đứa đều biết chắc chắn rằng, khi có bất kì điều gì tệ xảy ra với một đứa, đứa còn lại sẽ xuất hiện, chỉ trong chớp mắt.

Chúng mình có một mối quan hệ như vậy, không cần phải khoe với ai, không cần người khác biết mình có một người để quan tâm, và quan tâm đến mình như vậy. Chỉ cần biết rằng mình đang có một chỗ dựa như vậy là đủ.

Và giờ mình nhớ những tháng ngày ấy da diết. Mong gì giờ có thể nằm xuống, cuộn tròn lại, và rúc vào ai đó. Để người ta nói rằng “mệt mỏi nhiều rồi, hôm nay nghỉ ngơi thôi, có tôi ở đây rồi, không ai sẽ làm phiền bạn đâu”. Rồi khi mình tỉnh dậy, cảm ơn, rồi ra về vì đã hồi lại năng lượng giúp mình.

Thật thoải mái và dễ chịu nếu biết rằng cả hai không kì vọng gì ở nhau quá nhiều. Mỗi đứa đều tự biết trân trọng khoảng thời gian lúc hai người gặp nhau, và chỉ cần vậy thôi là đủ. Không ai mang nợ ai khi ra về, dù kể cả hôm nay một đứa tặng quà sinh nhật đứa còn lại, đâu có nghĩa rằng mình nợ người ta buổi sau. Cả hai không cần cái cớ để gặp nhau thêm một lần nữa, nhưng lại biết chắc chắn sẽ gặp lại nhau.

Và mình chỉ mong những người mình quý trọng, cũng cảm nhận như vậy. Nếu mình đưa bạn đi ăn, thì nghĩa là mình muốn được ăn ngon, và mình muốn có bạn cùng thưởng thức món ngon đó. Nếu mình gửi bạn món quà, mình mong nó giúp ích cho bạn, hoặc làm bạn vui. Vậy là đủ rồi.

Mình không trông ngóng rằng ngày sinh nhật của mình bạn sẽ xuất hiện. Mình không mong bạn biết mình muốn mua món gì để tặng mình. Sẽ chẳng có điều gì khiến mình phải cáu hay buồn vì bạn.Vì mình biết bạn care đến mình, và luôn luôn là vậy. Bạn sẽ không phải tìm lí do, hay tự trách bản thân không đủ tốt cho nhau. Mình chỉ mong nếu khi nào mình mệt quá, hai đứa có thể gặp nhau được không. Không phải trở thành gánh nặng, không phải để bạn trở thành cái thùng rác của mình. Mình chỉ muốn nghỉ ngơi, nhắm mắt, cuộn tròn và ở bên cạnh bạn. Vậy thôi.

Uncategorized

Đá chưa kịp tan

11h trưa tại đối diện Dinh Độc Lập, đang ngồi nghỉ, kéo 9gag thì chú nháy nháy hỏi cho xin cái vỏ chai.

Mình nhận ra chai nước chưa uống hết, còn một nửa. Vì ban nãy ăn kem sầu riêng, giờ uống vào lợ lợ. Mình bảo chú có khát không, cháu còn cốc đá, chú đổ vào, ngồi nghỉ uống chút nước cho đỡ mệt. Chú ngồi xuống, chú xách một bao tải đựng chai nhựa, tay đeo găng, mặc áo lao động màu xanh dương đã sờn. Da chú ngăm đen, nhưng cảm giác chỉn chu, sạch sẽ. Chú đeo găng tay cũng sạch sẽ, cảm giác như kiểu chú có mấy đôi giặt thay phiên vậy.

Chú kể chú mệt quá, ngày đi 40km từ Thủ Đức đến đây, đi từ 5h30 sáng mỗi ngày. Chú từ Cà Mau lên, con chú bị ung thư đang nằm viện. Mỗi ngày chú cần kiếm 70k để con chú được tiêm, cho đỡ đau. Không thì đau quá, đau đến mức mất cả ý thức. Mỗi tuần chú phải dành thêm 400k cho một đợt chạy thận cho con nữa.

Mình hỏi nhà chú con ai không, chú kể vợ chú mất được 9 tháng rồi. Họ hàng ở Cà Mau bị cơn bão số 5 quét đi hết người thân, giờ chú chỉ còn mỗi con gái là người thân duy nhất. Chú kể mà không có rơm rớm hay cảm giác tủi thân. Mình cảm nhận được rằng chú đã chấp nhận số phận như vậy rồi, không có thời gian hay lựa chọn nào để luyến tiếc nữa. Nhìn chú, mình biết chú biết cần phải làm gì, chú mong muốn gì, và chú kiên định với điều đó. Không phải băn khoăn, không phải ra quyết định, đời chú đủ khổ để phải nghĩ rồi. Giờ chỉ cần biết mỗi ngày kiếm mấy chục đủ cho con bớt đau, rồi dành dụm chạy thận cho con.

Chú kể mấy hôm nay nắng, người ta ít ra đường, nên chai lọ cũng ít, chú nhịn 2 ngày nay rồi, vừa quịu quã ở ngã tư kia. Thôi thì còn nửa lon coca, cũng có tí đường cho chú hồi sức. Mình móc trong túi ra còn 4-5 chục lẻ đưa chú, chú cầm lấy, rồi rất nhanh hất nốt chỗ đá còn trong cốc, rồi nhét chai và cốc vào bao tải. Chú đi tiếp. Chú không có thời gian để động lòng hay cảm ơn hay suy nghĩ. Mình nghĩ vậy cũng phải, cái họ quan tâm duy nhất trong đầu, là hôm nay con mình sẽ không phải chịu đau. Họ không có thời gian như những đứa như mình, phân vân nên nay làm cái gì, hoặc phân vân lựa chọn xem cái việc mình làm có đáng hay không, có thích, có hứng thú hay không. 60k/ ngày. Gần 2tr/ tháng, có khi chỉ bằng tiền trà sữa của mấy bạn văn phòng lương 10tr. Đi xong thấy đời mình còn may mắn chán. Một người vì 70k/ ngày mà quyết tâm như vậy, thì sao mình phải nản vì mấy cái chuyện mệt mỏi linh tinh được. Mình vẫn còn có lựa chọn, và lại đi mất thời gian mông lung về chúng.

May trời Sài Gòn cũng lành, gió thổi cũng mát, nay ở công viên có mấy nhóm chụp ảnh tốt nghiệp, hi vọng chú sẽ kiếm được nhiều. Bước ở Sài Gòn, cứ 20m2 thì chắc lại có vài ba câu chuyện đời đáng để kể cả ngày. Nhưng họ không có thời gian, Sài Gòn đông mà lắm người cô đơn. Cố lên nhé chú ơi.

Uncategorized

FYRE và những người như Billy McFarland

“Someone like that, they must be a genius or a certified crazy”

Mình mới chỉ xem xong Fyre và không có nghiên cứu gì nhiều thêm. Tất cả những gì mình viết ở đây chủ yếu dựa trên kinh nghiệm.

FYRE là gì và tại sao mình lại viết về nó?

Fyre là tên một Music festival được tổ chức bởi Billy McFarland, nhằm mục đích tạo một event đánh tiếng cho app booking người nổi tiếng của anh ta. Tầm nhìn của dự án thì rất lớn, nhưng đến lúc thực thi thì nó là thảm hoạ. Vision của nó to tới nỗi, nếu bạn ước một lần được đến Coachella thì hãy mơ gấp 5 lần như thế để hình dung ra Fyre.

Sau khi mình xem phim tài liệu Fyre trên netflix, mình thấy thấm vl. Vì nó có đủ những yếu tố giống với chuyện mình đã trải qua ở RYSE: 1 tầm nhìn tham vọng, 1 lãnh đạo thuyết phục, 1 đội hình tài giỏi và một rổ vấn đề bị phớt lờ.

Cắt ngang đi chuyện ở RYSE là gì, mình nghĩ mình spam về nó hơi nhiều rồi. Mình nên viết cái gì cảm thấy có ích cho mọi người một chút. Nên mình sẽ thử list mấy topic cần trao đổi ra đây.

  1. Làm thế nào để một tầm nhìn tham vọng trở thành một sự thực thảm hoạ, nó đã hoạt động như thế nào?
  2. Ai là Billy và cách nhận ra họ?
  3. Vậy thì mình nên làm gì bây giờ để không tạo ra một Fyre thứ 2?

1. Công thức tạo ra một thảm hoạ

Thảm hoạ mình nhắc tới ở đây, không chỉ là một sự thất bại, mà nó phải kèm thêm những từ ngữ chỉ mức độ, kiểu “epic”, “one of a kind”. Vì nó là sự thất bại của một tầm nhìn vĩ đại, mà nếu tầm nhìn đó thực sự trở thành hiện thực, nó sẽ là thứ tuyệt nhất từng xảy ra trong lịch sử. Bất cứ ai khiến nó thành công, họ sẽ có một trải nghiệm để đời, có khi là hoàn thành luôn lẽ sống của cuộc đời. Và chúng ta có yếu tố đầu tiên trong công thức, đó là tham vọng.

Tham vọng này lại không giống như những tham vọng bình thường khác, như kiểu “tôi sẽ trở thành tỷ phú trước 30 tuổi”, hoặc “tôi sẽ tỏ tình và cưới được cô ấy trong năm nay”. Để tham vọng này trở thành thảm hoạ, nó phải được xuất phát từ một con người tài giỏi và có tầm nhìn. Họ tài giỏi, họ có tài xoay xở, nên họ quen thuộc với các tình huống chưa ai làm như “tham vọng”. Lối tư duy của họ là, tôi là con người giải pháp, tôi sẽ làm được. Thứ 2, họ có tầm nhìn, họ biết họ muốn gì (mình chỉ dừng lại ở chữ “muốn” thôi nhé). Họ có thể tưởng tượng ra sản phẩm, kết quả của họ sẽ hoạt động ra sao (hoạt động ra sao chứ chưa chắc đã đúng nhé). Và để một người có thể biến tầm nhìn của họ thành sự thật, họ cần có năng lực thứ 3, khả năng thuyết phục. Viễn cảnh được vẽ ra rất rõ ràng, chi tiết và đầy màu hồng. Họ chủ động ý thức được việc khó nhắn là gì và đưa ra giải pháp. Nhưng có một vấn đề, người lead này show ra những vẫn đề khó có thể giải được và che đậy những cái khó cố hữu mà chưa có giải pháp. Vì thế mọi người vẫn sẽ follow, dù có hơi chút suy nghĩ. Cái suy nghĩ đó sẽ biến thành sự động viên, rằng cái khó rồi nó sẽ ló ra cái khôn thôi.

Bởi chính một leader đầy tầm nhìn và tính thuyết phục như thế, một dream team được thành lập. Những cá nhân dưới chướng của leader này chắc chắn không phải người kém cỏi. Xem FYRE, mình thấy họ là những con người rất trách nhiệm. Họ liều lĩnh những cũng sẵn có khả năng xử lý tình huống và tràn đầy năng lượng. Năng lượng này lại còn được tiếp sức bởi leader, người luôn giữ tinh thần lạc quan. Cái tầm nhìn này là một thứ gì đó rất kích thích, vì họ tin, nếu làm được, nó sẽ rất gì và này nọ, một thứ đáng để kể lại cho con cháu hay bất kì ai họ gặp. Ôi mẹ ơi nghĩ đến thôi đã máu lắm rồi.

Nhưng nước sốt cuối cùng cho món ăn thảm hoạ là đây, sự không minh bạch. Các vấn đề của FYRE luôn bị che đậy, các dấu hiệu cho thây dự án nên dừng lại bị phớt lờ. FYRE có một dự án đại nhạc hội to đến như thế, nhưng lại chỉ đặt deadline cho nó có đúng 2 tháng, trong khi một sự kiện như vậy thường phải khởi động trước ít nhất 12 tháng. Nhưng ok thôi, vì lead nói họ làm được, họ có tiền. Team thực thi này giỏi đến nỗi, khi họ tung chiến dịch quảng bá đầu tiên ra, nó đã trở thành một hiện tượng mạng, vé đã bán hết chỉ sau 48 tiếng. Báo chí thì đưa tin rầm rộ. Cái kết quả ban đầu đạt được này, là thực sự do họ đã rất giỏi, nhưng họ lại mải giỏi bán tầm nhìn chứ sản phẩm thì thực sự chưa có.

Và đến lúc thực thi thì toang, một chiếc đảo bé tí có khi chỉ phục vụ nổi 600 người, thì lại đi bán cho 6000 người. Họ list trên mạng một loạt sản phẩm, lợi ích cực sang với giá trên trời, có khi lên cả hàng tỷ, nhưng lại chưa chuẩn bị gì cho nó. Một nhạc hội được tổ chức trên đảo, nhưng nguồn nước, thức ăn không đủ, lại còn cả thiếu chỗ đi vệ sinh, và cuối cùng thiếu chỗ ở. Thiếu đến mức nhân viên họ biết rằng nếu có diễn ra, sure là 350 con người sẽ không có chỗ để ở, chứ chưa nói đến một cái lều tạm để chui vào ngủ qua đêm. Trời thì nóng và muỗi. Nhưng họ vẫn cứ làm, vì leader của họ bằng một cách nào đó, vẫn luôn giữ được thái độ bình tĩnh và lạc quan, và anh ta vẫn xoay xở được. Team này nói k làm được thì anh ta tìm một team khác nói làm được. Một vấn đề được giải quyết thì mọi người nhìn đó mà làm gương, để cố gắng giải quyết vấn đề của mình. Có một cái mà luôn giúp mọi người cố gắng đến phút cuối cùng, đó là họ luôn thấy người leader chưa bao giờ sẵn sàng để bỏ cuộc. Họ tin vào lead của họ, họ rất tin, đến mức sẵn sàng đánh đổi, đặt cược những thứ có giá trị của bản thân vào để biến ý tưởng thành hiện thực. Vì họ nghĩ sẽ chẳng bao giờ họ có gặp một ai can đảm và bao quát như người leader này. Những người ở FYRE mỗi người đều có sự hi sinh của mình, không ai an toàn cả, sẵn sàng chậm lương, tự bỏ tiền túi, hoặc sẵn sàng thổi cu chỉ để dự án thành công. Trời mẹ ơi, một team siêu trách nhiệm, lại còn giỏi. Mình sure nếu bạn đã gặp thất bại thảm hại, bạn sẽ tiếc, vì với một đội như thế này, đáng nhẽ ra nó sẽ làm được.

Mình hay ví những dự án kiểu này như một chiếc xe cà tàng không phanh. Đúng là phanh sẽ chẳng cần thiết nếu đích đến của bạn rõ ràng và bạn có một lộ trình ngon lành cho nó, con đường trải nhựa bóng mượt và không ai cản trở bạn. Nhưng một dự án sẽ hiếm khi hoàn hảo như thế, khi mà lại còn đi một con đường chưa ai làm. Gồ ghề, ổ gà sẽ khiến chiếc xe cần được tạm dừng để chỉnh sửa, thay mới thiết bị cho phù hợp. Nhưng leader của chiếc xe đã tháo cái phanh ra để thúc mọi người rằng “sẽ không có thời gian để trì hoãn, hãy tiến lên đi. Đúng là cách tiếp cận này vẫn có khả năng thành công, và đã thành công, nhưng dành cho những dự án độ khó hơn bình thường một chút thì sẽ là phù hợp nhất. Vì nó sẽ đưa mọi người ra khỏi vùng an toàn, giúp họ vượt qua rào cản bản thân để phát triển tốt hơn. Lí thuyết là vậy, rất hay, nhưng những vụ to lớn như thế này, vùng an toàn đã bị triệt tiêu. Những con người kia phải đánh đổi bước ra, dồn hết sức lực của mình để hi vọng sau khi nó thành công, họ sẽ được ôm thành quả và trở về vùng an toàn của mình để chữa lành. Sự lạc quan, khi bị lạm dụng quá đà, sẽ thành cái nhân tố quyết định cho thảm hoạ.

Những thảm hoạ lớn rất ít khi xảy ra, vì ít khi sự tham vọng được biến thành hành động. Nhưng một khi nó đã có đủ lead, đủ người, đủ ý tưởng; thì hoặc nó sẽ thành hiện tượng thành công nhất mọi thời đại, hoặc sẽ thành cục shit lớn nhất mọi thời đại. Những người đã tham gia họ nghĩ rằng đó là một sự đánh cược công bằng. Khi bạn là một thành viên của team này, bạn sẽ nghĩ cái bạn đánh đổi, so với người lead đang đánh đổi, không đáng gì cả. Bạn chỉ đang có hi sinh một phần nhỏ xíu so với cái mà anh ta/cô ta đang hi sinh thôi. Nhưng mà sự thực nhiều khi rất phũ phàng, họ đúng là nhìn có vẻ đang đánh cược rất nhiều, có thể được biểu hiện như (họ đang vay nặng lãi, phải thế chấp này nọ v.v……) nhưng thực tế họ giỏi xoay xở, nên họ sẽ có đường lui an toàn. Còn bạn không biết, bạn nghĩ họ liều, nên bạn liều theo mà không có gì dự phòng. Thực tế cái họ đem ra thế chấp, là chính bạn, là chính đội ngũ đang tin tưởng chính người leader. Khi mọi thứ đổ bể, sẽ không có một sự bảo vệ hay chịu trách nhiệm nào đó từ leader cả. Mà thay vào đó, leader sẽ nói rằng, mày tham gia cùng tao, thì mày phải chịu trách nhiệm cùng tao chứ.

Thảm hoạ khi xảy ra, sẽ để lại rất nhiều sang chấn cho đội ngũ đầy trách nhiệm kia. Họ trách bản thân không đủ giỏi để khiến nó thành công. Họ cảm giác họ đang lừa khách hàng, lừa đối tác, họ cảm giác họ là kẻ lừa đảo. Họ trách bản thân nhiều, thương leader của họ cũng nhiều. Lúc này sẽ có những người tỉnh ra và kiểu “ôi đm lead như l, nói mãi rồi đéo nghe, giờ toang cơ”. Còn những người khổ nhất thì lại kiểu “tiếc quá bọn mình đã không làm được, do mình bất tài vô dụng”. Những bạn khổ kia sẽ được an ủi phần nào nếu như người lead kia chịu hối lỗi, hoặc người ta thấy họ khổ tâm thật sự. Nhưng không, với FYRE, Billy tìm cách comeback bằng một idea startup khác, tại một penthouse lộng lẫy nào đó ở NewYork, trong khi mọi người nghĩ rằng anh ta đang rất buồn và phải về sống chung với bố mẹ do hết tiền. Và lại là một startup theo đúng công thức như thế, kéo người giỏi vào, một ý tưởng hay, bán được, nhưng lại là dựa trên một sản phẩm ảo không thực thi nổi. Chỉ có những thước phim thể hiện bộ mặt thật của Billy, những con người hi sinh kia mới thật sự tỉnh ra rằng, họ đã đặt cược sai hoàn toàn. Và không còn cách nào nghĩ tốt về người leader kia nữa.

Nhiều người đã có thể gặp cảm giác này. Rất tôn trọng một người, nể phục một người, họ đối xử với ta bằng cách đưa ta ra khỏi vùng an toàn, ép ta phải cố gắng. Ta tin đó là điều tốt cho ta, ta tin đó không phải là sự lợi dụng. Ta hi sinh cho họ rất nhiều, vì ta nghĩ sự hi sinh của ta không bằng nổi cái móng tay cho sự hi sinh của họ. Trước họ, ta thấy ta nợ họ nhiều, nên ta phải cố gắng hơn nữa để được nhìn thấy họ vui vẻ, hạnh phúc. Đó có thể là dấu hiệu khi bạn đang bị thao túng, hay manipulate bởi một bậc thầy thao túng. Chuyện sẽ không chỉ xảy ra ở một dự án kinh doanh, mà có thể là một dự án xã hội như tình yêu, hôn nhân. Viễn cảnh người đó vẽ ra sẽ làm mờ mắt bạn, bạn se cố gắng hết sức mình để biến viễn tưởng thành sự thực, và khi nó vỡ, bạn thoát ra rồi, bạn vẫn thấy tiếc thương cho người đã dẫn dắt bạn đi. Nhưng hãy nhớ kiểm tra rằng, liệu có thực sự họ đang hi sinh nhiều như thế? Liệu họ có backup an toàn, không như bạn, chả có gì thêm nữa để đánh đổi.

2. Vậy liệu bạn có đang ở trong một dự án thảm hoạ? Làm thế nào để biết ta đang theo một nhà lãnh đạo đáng ngưỡng mộ hay là Billy?

Nếu ai đã trải qua chuyện như mình rồi, thì chắc bạn sẽ không cần đọc phần này. Còn với những bạn nào đang có nhiều hoài bão, đang cảm thấy stress vì những rủi ro mình đang gánh vác. Đang hi sinh một tỉ lệ giá trị của bản thân (có thể là của cải, sức lực, thời gian, niềm vui) để cố gắng hoàn thành một khát vọng nào đó. Thì có thể bài này bạn sẽ cần. Mình không ở đây để thuyết phục bạn dừng lại, mình tin bạn vẫn đang rất tin vào dự án của mình. Mình cũng đâu thể khẳng định dự án của bạn sẽ fail. Nhưng nếu sau có fail, hãy nhớ lấy bài này bạn đã đọc, để nghiệm lại, để có thể tìm lại chút bình yên trong lòng mình, thay vì dằn vặt. Mình sót bạn lắm.

Điều đầu tiên, hãy tìm kiếm sự minh bạch. Nếu tổ chức, hoặc dự án bạn tham gia không đủ độ minh bạch, hãy cảnh giác. Những người lead sẽ lấy cớ rằng thông tin này không phải việc của bạn, hoặc nó là tài liệu bí mật cần được giữ kín. Một dự án lớn, mà tham vọng chưa từng có, thì sẽ không có chỗ cho sự che đậy ở đây. Các bạn đang lái một chiếc xe đi vào một con đường chưa ai đi, vậy sao phải dấu xem chiếc xe có bị hỏng hóc hay không ổn phần nào. Thiết kế của chiếc xe, khả năng của nó phải được thể hiện ra cho toàn bộ team. Để mọi người cần ý thức được rằng nếu hành động của họ là như thế này, thì chiếc xe liệu có gánh được không. Thay vì chỉ tin tưởng vào người leader nói rằng, chiếc xe này sẽ chạy tốt. Chỉ có thể họ lo ngại rằng, nếu bạn biết điểm khuyết tật của chiếc xe, bạn sẽ dừng lại, và họ sẽ mất đi một người tài giỏi.

Thứ hai, hãy cảnh giác với những người nói “tôi không xem “không thể” là một lựa chọn”. Cái này là do mình đúc kết qua kinh nghiệm, nhưng thấy nó hợp lý. Không phải tất cả những người nói câu này sẽ trở thành thảm hoạ, nhưng ai thảm hoạ đều đã nói câu này. Vì sao ư? Vì họ dám tiến thân, dám hành động, dám biến ý tưởng thành sự thật, phải có thì nó mới thành thảm hoạ. Còn không thì nó chỉ là mọt ý tưởng thành công trong đầu của một cá nhân nhút nhát nào đó. Ai nói câu này, hoặc là một thiên tài, hoặc là một kẻ điên. Làm kẻ điên đã khó, làm thiên tài đã khó hơn nhiều. Nếu như một người nói câu này, đáng để ngưỡng mộ, là khi họ luôn luôn tìm cách bảo vệ đồng đội của mình, họ luôn có backup plan cho đồng đội nếu đồng đội fail, họ sẽ ôm trách nhiệm của chính họ mà không làm liên luỵ đến mọi người. Còn dấu hiệu của Billy, là khi họ cố gắng kéo bạn vào đặt cược, đặt cược những ván cược cực khó. Làm cho bạn cảm giác bạn không có đường lui, không còn lựa chọn nào khác ngoài đi tiếp. Họ sẽ tháo phanh xe, thay vì lắp thêm túi khí và thiết bị bảo vệ bạn nếu như chiếc xe kia gặp nạn.

Ranh giới để nhận biết rất mong manh. Và người như Billy, nếu ra được sản phẩm tốt, thì lại sẽ không bao giờ xấu như thế được, Billy không xuất phát ý tưởng như một vụ lừa đảo, anh ta có một phần nào đó tin rằng nó sẽ thành sự thực. Anh ta vẫn nghĩ rằng sẽ có cách giải quyết được vấn đề, và sẽ che giấu vấn đề cho đến khi chúng được giải quyết. Những con người như vậy, ở một mức độ nào đó, vẫn có phần đáng ngưỡng mộ. Vì họ vẫn là người giỏi, có tài xoay xở tốt. Nếu bạn tiếp xúc với họ không quá sâu, bạn vẫn sẽ có thể phát triển được bản thân mà không làm tổn thương chính mình. Họ có nguồn năng lượng mạnh mẽ, cảm tưởng như vô hạn, thái độ không bao giờ gục ngã. Một điều rất đáng để học hỏi.

Mình đã gặp nhiều người bị sang chấn sau những cú thất bại, trong sự nghiệp, tình cảm, học hành. Điểm chung là họ oán trách chính mình, vì đã làm cho người khác thất vọng. Nhưng hãy nhớ rằng, người bạn cần chịu trách nhiệm lớn nhất, là chính bạn. Đừng để chính bản thân mình bị tổn thương thay cho người khác. Mình vẫn còn nhiều hoài bão về startup, nhưng mình biết mình sẽ không thể lôi mọi người đánh liều cùng mình được. Mình sẵn sàng chấp nhận để bạn đi nếu mình không thể cover khó khăn cho bạn được, mình sẽ phải cố gắng nhiều hơn, thay vì kì vọng ở bạn hi sinh nhiều hơn. Cái bạn cho đi là tự nguyện, và nếu bạn lăn tăn về cái bạn cho đi, dù chỉ 1 gợn thôi, 1 giây hay 1 tích tắc thôi thì xin đừng, xin đừng bước tiếp. Nếu có tiếp tục, hãy giữ cho mình một lựa chọn an toàn, để nếu có ngã, cũng đỡ đau hơn. Mình rất sợ trở thành Billy, mình đã rất ám ảnh liệu mình có đang lợi dụng những người đang hi sinh cho mình hay không. Kể cả ngay khi nói câu này, cũng không có nghĩa mình sợ nên mình sẽ không trở thành Billy, vì nếu dù mình không nói ra, mà bạn lại tự nguyện hi sinh rồi làm khổ chính bản thân mình, thì chắc chắn mình đang lợi dụng bạn rồi. Nên là nếu sau có làm cùng mình, nếu như mình không giữ được lời hứa, hay đòi hỏi gì thêm cái chúng ta đã bàn ban đầu, thì hãy cứ xin out, mình sẽ không van nài mà cảm ơn bạn, cảm ơn đã cho mình tỉnh ra.

Dù dự án có toang to cỡ nào, bạn đã làm hết sức của mình rồi, không có gì bạn có thể làm thêm được nữa. Nếu bạn biết tâm bạn vẫn mong mọi người ổn, và bạn cố gắng đem điều đó thành sự thực, vậy bạn đã là người tốt rồi. Thế giới vẫn cần có tài năng của bạn, còn rất nhiều người ngưỡng mộ và không oán trách bạn, nên buồn một chút thôi, nhanh chậm cũng được. Những hãy nhớ rằng mình mong bạn bước tiếp, bạn đã sống thì bạn xứng đáng được nở nụ cười trên môi mỗi ngày, bạn xứng đáng được niềm vui vì những cố gắng của bạn. Ngã xe thì đau thật đấy, nhưng nhièu người sẽ rất sẵn lòng nghe sự sống sót của bạn, để họ không phải trèo lên một cái xe như bạn nữa. Cố lên nhé.

Uncategorized

Mình vừa xem xong Moneyball

Moneyball đã ở trong list của mình từ rất lâu, nhưng giờ mới có cơ hội xem. Kì thực là mình chưa hình dung được nó sẽ kể về gì, chỉ biết rằng nó là một trong những phim đã được đánh giá rất cao. Và hôm nay mình đã xem nó, trong lúc mình đang thất nghiệp và chưa nộp một đơn xin việc nào đi.

Phim kể về một GM (General Manager) của một đội bóng chày Mỹ, với ngân sách hạn hẹp, anh ta không thể nào vượt được trận đấu cuối mùa, mà nếu thắng, đội anh ta sẽ được lên hạng và được thực sự ghi nhận. Còn nếu có thắng cả mùa, nhưng trận quyết định mà thua thì cũng không có nghĩa lý gì. Cái anh ta ức chế là lối vận hành truyền thống của giải bóng chày, đội giàu sẽ mua cầu thủ giỏi của đội nghèo, và đội nghèo dù sắp mấp mé thăng hạng thì cũng không dám đánh liều để giữ cầu thủ, họ sẽ bán đi để lấy lãi, hi vọng sẽ có cơ hội khác với cầu thủ mới. Và đội nghèo lại đi tìm nhân tài, đào tạo, rồi lại bị đội giàu cướp mất. Billy (GM mình vừa nhắc) không chấp nhận nổi sự thật này. Anh biết nếu cứ làm theo cách cũ, thì sẽ chẳng có gì thay đổi cả. Rồi tình cơ, anh nhìn thấy một anh chàng ở một clb khác (Pete), dù đã có góp ý cho quản lý nhưng không được ghi nhận. Billy nhận ra Pete nhìn bộ môn này rất khác, anh ta nhìn vào dựa theo con số, hay giờ người ta hay spam xác suất thống kê. Pete tin rằng có rất nhiều cầu thủ giỏi ngoài kia đang bị đánh giá thấp hơn giá trị họ có thể mang lại, chỉ vi ngoài hình không tốt, hoặc ăn chơi trác táng. Pete tốt nghiệp ở Yale, học kinh tế, và đây là job đầu tiên anh ta làm, phân tích bóng chày, và không ai tin anh ta, trừ Billy. Billy gọi Pete về làm cùng, họ đã đánh cược bằng phương pháp mới, một thứ mà cả hệ thống lúc bấy giờ đặt dấu chấm hỏi, vì chả làm giống ai bao giờ, ngược với những logic đã có. Và đó là hành trình của họ, tạo ra sự thay đổi.

Điều khiến mình suy nghĩ cả phim, hoặc có lẽ là nhiều lần trong đời; rằng khác người là tốt hay xấu? Liệu những kẻ khác người có thực sự giỏi, hay chỉ đơn giản là phông bạt, tỏ ra hơn người? Mà không hẳn, suy nghĩ này mang tính cá nhân hơn. Mình có thực sự giỏi, hay là kẻ phông bạt, khi mà mình không hay làm theo truyền thống. Ở trong phim có một đoạn rất hay, để thử thách câu hỏi này: liệu người trong phim bạn đang ngưỡng mộ từ đầu, liệu thực sự có đáng để ngưỡng mộ, hay thành công của họ, cuối cùng vẫn phụ thuộc vào may mắn?

Bộ phim đã cho mình thấy 2 khuôn mặt mà mình đã trải qua. Một người nhiều kinh nghiệm, muốn thay đổi, rất linh hoạt, nhưng họ cũng bị ám ảnh bởi quá khứ, bởi cảm xúc. Một người mới tò te bước vào, đem đến một góc nhìn rất khác. Và họ gặp nhau. Mỗi người bù cho người này một chút. Ở phim họ là 2 cá thể. Nhưng mình cảm thấy lẫn lộn vì khi nhìn 2 người, mình đều thấy mình trong đó. Có lẽ bởi vì họ khác nhau bởi thời điểm, một người kinh nghiệm, và một người non; một người đi học Yale, một người từ bỏ học bổng để đi làm vđv chuyên nghiệp. Nếu như họ bằng tuổi nhau, ở cùng một điều kiện giống nhau, họ sẽ rất giống nhau. Nghĩ lại, sẽ có rất nhiều người trẻ như mình, cảm nhận được, rằng 2 người nói chuyện với nhau, thực tế là lời tự thoại. Lời tự thoại của kiểu người hay bị gọi là “chả giống ai”.

Nhưng thực sự có 2 loại người “chả giống ai”, và thế giới rất dễ nhầm lẫn giữa 2 người này, hoặc mình đoán thế. Một nhóm người “chả giống ai” vì họ thích tận hưởng cảm giác mình là kẻ khác biệt, là duy nhất, là độc đáo. Họ nghiện sự độc nhất đến mức khi hết ý tưởng, họ sẵn sàng mượn chép sự “độc đáo” của người khác, và hi vọng là mình copy sớm nhất khi mà nó chưa thành trend, chưa ai phát hiện. Ai cũng có lúc như thế, mình cũng không phải ngoại lệ. Nhưng sự độc nhất đó là tạm thời, hoặc nhiều khi tiêu cực, vì họ chỉ muốn nó “khác”, chứ chưa chắc nó đã tốt hơn, hay hơn. Nhiều khi họ chọn làm khác cái đã, và bấu víu bám vào những mẩu “thành công” vụn vặt để chứng minh rằng cách làm của mình là đúng. Họ tận hưởng sự khác biệt trước, rồi hi vọng thành công. Nếu những người này được gắn cái mác “khác biệt” quá lâu, họ sẽ thành ảo tưởng, họ tin sự khác biệt của họ là cool ngầu, đãng ngưỡng mộ, nhưng thực tế là chưa chắc như vậy, nhưng họ từ chối nhìn thấy.

Loại thứ 2, là chẳng may trở nên khác biệt. Đó là những người như mình, là một đứa nhút nhát, từ bé đã sợ bị mọi người chú ý, soi mói. Tất nhiên là được ngưỡng mộ vẫn rất thích, nhưng nỗi sợ bị chê cười còn kinh khủng hơn nhiều. Nên là chủ đích của mình từ bé, chỉ đơn giản là hi vọng không ai để ý đến mình, mình chỉ muốn tận hưởng cái làm mình vui, làm điều mình thích, vậy thôi. Và mình thích cái gì nó hợp lý, nó nhanh, nó hiệu quả. Mình thích đặt câu hỏi tại sao, mình muốn hiểu cách mọi thứ vận hành, mình tò mò. Mình thích giải quyết những thử thách mới. Và rồi tự nhiên, loại thứ 1 và thứ 2 biểu hiện ra giống hệt nhau. Nhưng nó khác nhau cơ bản ở chỗ này. Loại hai đặt mục tiêu thành công lên đầu, và nếu như trở thành khác biệt là cách để thành công, họ sẽ chọn. Mình không ngại làm theo cách truyền thống, nếu như nó hiệu quả, nhưng nếu cách cũ chưa ổn, mình sẽ đổi.

Mình đã bị cô giáo gọi lên vì giải toán không theo cách cô dạy, đó là cấp 1. Cấp 2 mình chơi Đột Kích, một trò chơi đấu súng chia 2 phe. Và lối chơi của mình hay bị mọi người coi là “tự sát”. Nếu ai đó thử và thành công, thì mọi người nói đó là gặp may, là thằng sĩ diện, cách dễ không chơi, bày đặt chơi kiểu khó. Nhưng mà hồi đó mình chỉ đơn giản nghĩ như thế này: Đúng là tấn công con đường này nguy hiểm thật, nhưng bởi vì ai cũng nghĩ nó nguy hiểm, nên dối phương cũng sẽ lơ là. Vậy cũng là một lợi thế, nhưng làm thế nào tận dụng được cái lợi thế này, và giảm thiểu cái rủi ro kia đi. Mình phải hiểu tại sao lối chơi này khó, và để thành công thì phải tập luyện cái gì. Và mình đã luyện lối chơi này một cách thành thục. Là một đứa sợ bị đàm tiếu, mình không muốn bị mọi người gọi là thằng thích thể hiện, nên mình cố gắng tính xem tỉ lệ thắng của mình mỗi lần chơi cách này là bao nhiêu. Liệu thực sự có tính toán ở đây hay chỉ là may mắn. Mọi người ghét cách này bởi vì, 1 là họ không làm được, 2 là nếu làm được họ biết thành quả sẽ rất thoả mãn, 3 là nếu họ tháy người khác làm được, họ sẽ thấy họ kém, đâm ra tức. Kiểu họ sẽ nói kiểu “Ok pha vừa rồi đẹp mắt thật đấy, nhưng chắc 10 lần thử thì mới được 1 lần ăn to, có đáng không?”. Nghe có giống những người so sánh hội chơi lô đê với hội đầu tư chứng khoán nghiêm túc không :)).

Rồi đến đại học, mình nhớ mình đã trả lời được câu hỏi của thầy dạy kinh tế vi mô, là tại sao 2 cái này gặp nhau thì nó lại min. Lúc đó chưa ai giải được, còn mình thì giải ra, nhưng theo một logic rất ngô nghê, nó là min vì nếu nó không min không được. Và khi thầy xem cách giải của mình, thày bảo chỉ cần tích phân là xong. À ờ, tích phân được sinh ra là vì thế mà, và cái cách làm của mình nó là cái cách tiền sử trướ tích phân. Lúc đó vừa tự hào lại vừa xấu hổ. Ta tự tin sáng tạo làm gì, trong khi copy lối cũ người khác bày vừa nhanh vừa gọn. Mày hiểu vấn đề đấy nhưng nó lại lâu.

Ôi nhắc đến đây, chợt bất giác nhận ra là, sẽ có nhiều người khó hiểu với lối sống của mình, vì họ nghĩ mình đang ngông cuồng đánh cược với cuộc đời. Giờ chưa có người yêu, vợ con chưa có, job cũng chưa gì ổn định. Nhiều lúc không biết mình muốn điều gì. Mình cũng không dám tự tin mình là 100% loại 2, sẽ có lúc mình tự vấn bản thân mình, như 2 anh chàng ở moneyball tự vấn nhau.

Nhưng mình phải tin mình thôi, vì đó là logic của mình, là mình đã tính chứ không phải theo một sự random nào đó. Giờ mình đã có lý thuyết, phải biến nó thành hiện thực. Chứ không phải tôi khác người thì tôi sẽ thành công. Sẽ có nhiều người nói mình chơi ngông, chơi liều, ngạo mạn, ảo tưởng sức mạnh. Nhưng sự thật, mình sợ lắm, sợ đến mức có những đêm nằm run cầm cập khi mới chỉ nghĩ về tương lai bị fail. Mình không phải tự tin thiên bẩm, có sẵn trong người. Nên mình phải tăng độ tự tin bằng thực tế, bằng con số, kinh nghiệm, quan sát thông qua một con mắt rất tự ti. Có những lúc mình sẽ có những lựa chọn mà không ai hiểu được, đành liều cho đến khi có kết quả, không được thì ok mình chấp nhận. Nhưng mình sẽ không hối hận, vì mình biết, nếu mình nghe theo mọi người từ đầu, mình sẽ không bao giờ hiểu được lí do thất bại thực sự là gì. Và sẽ có lúc mình bất mãn nếu như mình nghe theo mọi người mà không thành công, mình sẽ đổ lỗi.

Đến giờ này, mình biết chắc chắn rằng mỗi phiên bản Hoài Nam trong mắt mỗi người biết mình sẽ rất khác nhau, thậm chí trái ngược hoàn toàn, và nhiều sự trái ngược. Vô tổ chức và có tổ chức. Bừa bộn và ngăn nắp. Hèn và không hèn. Trầm và nghịch. Nhút nhát và gan lì. Nhạt và funny. Làm màu và khiêm tốn. Kẻ đi manipulate người khác hay người bị manipulate. Mỗi người sẽ tin vào phiên bản họ nhìn thấy là sự thật. Và đến giờ này, mình thấy ổn với việc họ nghĩ mình như thế nào đi nữa. Không phải vì mình khinh hay lười giải thích, mà mình công nhận đó là mình thật. Nó vẫn là mình chỉ là họ nhìn ở những góc khác nhau, hoàn cảnh, thời gian khác nhau, mình không phủ nhận cái họ đã cảm thấy, nhìn thấy. Mình không sống chết mong mọi người đều nhìn mình một cách toàn diện. Giờ mình chỉ mong, mỗi ngày, mỗi giây, mình biết mình là ai, và mình đang làm gì, vì điều gì, vậy là ổn rồi. Không có người hiểu ta, thì ta phân thân ra, tự bảo mình cố lên. Vậy là ok thôi 🙂

Uncategorized

Cái đéo gì đang xảy ra với thế giới Marketing vậy?

Một nhân viên của mình đã áp dụng một tút của các master bán hàng online. Rằng nếu sau 7 ngày khách không phản hồi về sản phẩm thì gửi tin như sau: “Sau nhiều ngày sử dụng sản phẩm không biết mình có cần em tư vấn gì thêm không ạ. Bên em đang có cuộc thi nhân viên nào chăm sóc tốt nhất được thưởng 1 chiếc iphone 11. Chỉ tiêu của em chỉ thiếu một vài đánh giá nữa là đạt. Em cám ơn anh ạ.”

Chuyện gì đang xảy ra vậy?

Mình đã nổi cáu khi đọc được những dòng này, và không thể nghĩ ra bất kì lí do nào để mình chấp nhận cho nó tồn tại tại hệ thống của mình được. Các shop khác thi nhau làm rồi thì sao chứ? Đây là một chiêu cực hay về hack hành vi? Và nhân viên mà đã lựa chọn nó nói rằng “nếu mà bị tiêu cực bởi việc này thì quá nhạy cảm” hoặc “người ta đọc được cũng có cảm thấy gì đâu?”

Kể cả những điều trên là fact, kể cả 1000 người khách đọc được, học không rep và họ cũng không thèm nhớ; thì vấn đề ở đây là, họ đang chấp nhận. Các bạn vẫn quen với cái kiểu ngồi quán vỉa hè và phải lắc đầu với những người bán vé số hay những người liên tục mời bạn mua kẹo cao su. Bạn lắc đầu theo thói quen, bạn lúc đầu không thoải mái rồi sau đó bạn chấp nhận và coi nó như không có gì. Cái thứ mọi người chấp nhận không có nghĩa là nó đúng và nó nên tồn tại. Bạn chỉ gặp những tình cảnh đó ở quán vỉa hè, và bạn đã bao giờ phải lắc đầu với người bán kẹo cao su khi bạn ăn ở một nhà hàng hạng sang chưa?

Câu nói không có tính xúc phạm. Nhưng lời nói cũng phản ánh lên con người, còn đối với việc chăm sóc khách hàng, nó là bộ mặt của Brand, vì chính nhân viên đó đang nói chuyện với khách. Và khách đánh giá brand, dù kể cả họ không nghĩ, nhưng nó sẽ là cái ấn tượng tiềm thức của họ về brand. Mình chỉ hiểu đơn giản như thế này thôi, nếu đã thực sự quan tâm xem khách có dùng hàng ổn hay không, có lỗi nào không. Thì cứ thành thật với việc đấy, tại sao phải có thêm cái “em sắp được iphone 11” để tạo thêm chút động lực cho người ta. Bạn đang gạ người ta hành động để bạn có thể nhận được “lợi ích”? Đây còn không phải là “cứu em với nếu em không đạt được em chết”. Có bao nhiêu người sẵn sàng trả lời khi mà câu đầu hỏi anh dùng có ổn không. Nhưng thật ra là anh trả lời đi để em được iphone 11. Nếu mình không cáu, thì là mình đéo chấp.

Nếu đã xác định làm brand, muốn có chỗ đứng trong tâm trí khách hàng, thì phải định hình rõ được mình (brand) là ai. Người đó sẽ ứng xử, có hệ giá trị, thế giới quan như thế nào. Nếu anh bán cho dân chợ, ok anh không nên mặc vest vào chợ bán hàng. Nhưng đã muốn bán hàng vì tôi có sản phẩm giá trị, vì tôi có hữu ích cho anh chị. Thì tại sao lại phải hạ mình để xin hành động từ khách hàng như vậy? Tôi đem lại giá trị tốt, tôi quan tâm đến sự hài lòng của anh về sản phẩm đến mức tôi theo sát không chỉ 1 lần, mà còn nhiều ngày sau đó.

Còn nếu để khách hàng biết rằng tôi đang tử tế với anh, không phải vì tôi quan tâm tới anh, mà vì tôi mà quan tâm tới anh, tôi sẽ được sếp thưởng, vậy nó có làm cho khách hàng cảm thấy được quan tâm đúng nghĩa hay không? Khách hàng sẽ trân trọng một người nhân viên sẵn sàng không dược hưởng hoa hồng để tư vấn cho khách một sản phẩm phù hợp nhất dù không phải giá cao, hay là khách hàng sẽ trân trọng một người nhân viên cố gắng bán được cho bạn càng nhiều hàng càng tốt để hưởng hoa hồng?

Cái đó là ở quyết dịnh của mỗi người làm kinh doanh. Nhưng đối với mình, mình sẽ đéo bao giờ làm thế cả.

Uncategorized

Chỉ đơn giản là họ yêu nhau

Có những mảnh ghép khớp đến vi diệu

Mình tự tin một cái. Đó là mình có thể đoán ra tính cách của người yêu của người mình quen thân. Bằng một cách nào đó, mình thấy họ hợp với nhau một cách hiển nhiên. Có lẽ vì những người mình chơi cùng có cá tính khá nổi trội, nên dễ dàng để tìm ra được điểm cân bằng. Mình mới vào SG được chục ngày, nhưng cũng đã 2 lần dược gặp ny của Dũng, và ăn cùng chúng nó 2 bữa.

Dũng từ hồi cấp 2 đã là một đứa hay cục súc, nhiều khi lớn lên người ta gọi là cực đoan. Một người sống có nguyên tắc của mình, đến mức mà đám tụi mình đều hiểu rằng, nó như kiểu một thằng racist chính hiệu :)). Vì nó cục vd ấy. Và khi nó đã cục, thì có nói lí như thế nào cũng không thuyết phục được. Không phải là bởi vì nó không biết nghĩ, nó làm techlead lương mấy k một tháng, gấp cmn mình làm cả năm. Nhưng mà vì nó có nguyên tắc cùa nó, và nó tin vào logic đó để lập luận. Cần một người rất rất kiên nhẫn, thấu hiểu cho Dũng mới có thể làm thế được. Và rồi ồ mình gặp ny Dũng. Và đúng kiểu nhìn cái biết ngay 2 đứa này thế là xong, sẽ chẳng bao giờ phải đi tìm nửa nào khác của mình nữa.

Hà thấy sự cục súc của Dũng làm thú vị, một sự đáng yêu. Không biết quá khứ của em ấy như thế nào, nhưng mình chắc chắn một điều, đó là ít ai thấy điều đó ở Dũng đáng yêu như là Hà. Mình xuất phát cũng là người nóng tính, và khi nghe thấy cái gì đó phi lí, mình rất bực. Nhưng Hà thì khác, em ấy luôn điềm tĩnh giải thích cho Dũng hiểu. Cái cách giải thích của Hà, cách Hà nói chuyện với Dũng. Mình cảm nhận được rằng Hà không có sự mệt mỏi nào trong đó cả. Hà không phải kiềm chế, không phải nhịn hay nhường để nói chuyện với Dũng. Và bởi vì Hà không cảm thấy cần phải bỏ ra chút sức lực nào, nên Hà biết, và mình cũng cảm nhận được, rằng Dũng có vô lý như thế nào, thì Hà cũng sẽ không bao giờ phải nghĩ tới việc từ bỏ. Ui vì đúng là, Hà làm điều đó đâu cần cố gắng!

Có những thứ, hợp nhau đến lạ, có những người khi họ đã nhìn ra điểm đáng yêu của nhau, đủ thấu hiểu nhau. Thì tự nhiên những nét xấu trở thành nét độc đáo đáng yêu, không phải thứ gì xấu xí nữa. Họ chăm sóc cái sự xấu xí đó, bằng tình yêu thương. Họ giúp người kia không phải để loại bỏ điều đó đi, mà chỉ mong người kia được happy hơn.

Mình lâu rồi không được ai trao cho những ánh nhìn yêu thương như thế. Giờ vẫn chưa tìm được mình, thì sao tìm được người ta. Khổ nỗi mình cũng dở dở ương ương, vừa nerd vừa trẻ trâu, vừa nhát vừa bạo. Nhưng không phải là kẻ cân bằng ở giữa. Mình là cái kim giao động trong ngày động đất, và hi vọng sẽ cố gắng tìm được một cái chống rung như gimbal để song hành cùng mình :)). Đợi hé!

Uncategorized

Hôm nay ngủ không nệm

Không biết cảm giác này là gì. Nhiều khi thấy lạc lõng, và mình biết nếu mình có với tới người ta, người ta cũng không đáp lại. Thấy họ vẫn hiện hữu trên facebook, vẫn like ảnh người này người kia. Nhưng tin nhắn của mình thì vẫn chỏng chơ ở đó. Cảm giác tự nhiên mì. h không quan tâm rồi mình trở thành thứ gì đó quan trọng trong cuộc đời người khác, được họ nghĩ tới – sướng. Rồi lại đột ngột trở thành người họ né tránh, khiến họ mệt mỏi. Mình biết mình có lúc không tốt, nhưng thật sự lần này nó mới chỉ xảy ra 1 lần. Và họ biến mất luôn.

Thở dài một tí rồi thôi vậy. Mình lựa chọn ở đây, kiên trì, còn nhiều thứ mình phải vượt qua, chuyện này mình fail, nhưng mình sẽ cố gắng những việc khác. Ôi nhưng mà, mình thực sự muốn có một ngươ ở cạnh, để song hành cùng nhau, động viên nhau vượt qua khó khăn. Mình có bạn, nhưng nhiều lúc mình như trở thành gánh nặng của họ, khóc hoài kêu mãi rồi lại thôi, họ có cuộc sống riêng của họ. Mình tưởng mình đã có một người để chia sẻ câu chuyện thường ngày cùng, vui có buồn có. Nhẹ nhàng, không ràng buộc, chỉ biết rằng sáng mở mắt ra sẽ có người nhớ tới mình, và người ta cũng biết mình sẽ coi họ là điểm tựa. Mình đã trở thành điểm tựa của người khác nhiều lần rồi. Mình không đòi hỏi quá đáng chứ, và có khó khăn quá không khi là điểm tựa của mình. So với những gì mình đã trải qua, giờ mình đang trải qua những thứ khó khăn hơn nữa, vẫn là mức buồn ở 70% chả hạn. Nhưng sự kiên định, cứng của mình đã lơn hơn rất nhiều. Mình dần biết cách thoát khỏi những nỗi buồn mang mác như thế này.

Mình sẽ chờ đợi, mình sẽ phấn đấu. Nhưng ước gì người hiểu rằng, mình cố gắng trở nên hoàn hảo không phải để tìm được một người không biết tha thứ. Mình không cố gắng trở nên giàu có để ở cùng một ngườ không biết cố gắng. Có lẽ khi ngày dần mình lớn hơn, mình lại càng khó tìm được người ấy. Vì mình cần người song hành cùng mình, trải qua khó khăn cùng nhau để trở thành con người tốt hơn. Nói cần thì hơi quá, mình đang sống và đang phấ đấu. Nhưng mà được học nhóm thì vui biết mấy, nhỉ?

Uncategorized

Mình là nước

Mình thỉnh thoảng có những mối quan hệ mới. Không phải vì những mối quan hệ cũ không đủ tốt, mà là mình muốn tìm một ai đó song hành. Và rồi dần dần, mỗi lần những mối quan hệ đi qua đời mình, mình lại tự hỏi lí do gì người ta đột nhiên biến mất.

Rồi tự nhiên ngồi trên xe, mình nghĩ tới nước và bài học hồi kinh tế vi mô. Giá của nước và giá của kim cương. Có lẽ mình giống nước. Một thứ sẵn có, cần thiết, và nhất là khi bạn khát, bạn sẽ nghĩ tới nước đầu tiên. Mình luôn thường xuất hiện khi có người gặp bế tắc – khát. Có lẽ không phải do mình thính, mà chỉ là họ biết mình luôn sẵn có, luôn ở ngay góc bàn, ở ngay trong box tin nhắn. Họ biết khi họ nhắn, họ sẽ được mình rep lại ngay, như là khát thì lấy cốc nước, ở đâu cũng có. Cái này kinh tế gọi là “easy to access”. Mà cái gì sẵn có quá thì giá nó thường rẻ. Dù rằng đã có nhiều tài liệu nói rằng nước bị underrated, nước đang bị định giá thấp hơn bình thường rất nhiều. Nhưng kinh tế là vậy, những người có thu nhập, họ nghĩ rằng họ luôn có khả năng tiếp cận với nước, một thứ vô hạn đến hết đời họ sẽ chẳng bao giờ phải nghĩ “sau này mình kiếm nước ở đâu nhỉ”.

Nhiều lúc mình tự ti, mình hay thắc mắc liệu người kia người ta có gì. Mà sao người mình quan tâm, lại quan tâm người đó đến vậy. Dù rằng người đó đã làm họ đau, làm họ suy sụp. Có lúc mình đã thận trọng hỏi “tại sao lại muốn người ta đến vậy”, và người ấy nói rằng, người đó cho người ấy cảm giác “an toàn”. Mình đã tự nhủ, vậy cái đó mình luôn có sẵn, mình biết mình sẽ chẳng bao giờ ích kỉ đến mức làm họ tổn thương, vì mình cũng đâu có mưu cầu gì nhiều. Và rồi, dù không còn gặp người “an toàn” kia nữa, người ấy vẫn vấn vương. Nhắc nhiều về họ. Mình nhận ra, họ không phải là “nước” như mình. Mình là cái thứ nước, biết uống sẽ không sao, tốt, nhưng cũng vô vị. Họ sẽ không có cảm xúc gì khi uống nước, nhất là lúc họ đang đủ đầy, họ uống nước chỉ vì họ khát, và lúc đó không thể với đến nước ngọt hay bất cứ thứ nước gì hay ho khác. Còn những người kia, họ là vậy, có thể là một lon cô ca mát lạnh, có thể là một chai champainge lâng lơ, hoặc một chai strong-bow cho bớt sầu. Dù mấ thứ này uống nhiều không tốt, nhưng nó đem cho ngươi ta cảm xúc mỗi khi uống, và nó có cái giá riêng của nó. Vì không phải ngày nào ta cũng uống coca. Nhưng khi động vào một lon, nó cho ta cảm giác sung sướng, ta kì vọng được cảm thấy thoả mãn hơn, sảng khoái hơn, ta cảm giác nó như một sự tự thưởng cho công sức của ta bỏ ra khi được nếm chúng.

Cũng đúng thôi, cách con người ta là vậy. Thật ra thì cũng không ai uống nước lọc mãi được, cũng không ai uống coca thay nước mãi được. Đã lâu mình chìm đắm vào công việc, vào việc trở thành “nước”, xuất hiện mỗi khi người ta cần. Và biến mất khi người ta muốn có gì đó “có hương vị”. Thôi thì mình vẫn là nước, những sẽ rồi dần mình sẽ thêm chút mùi hương vào cuộc sống của mình. Minh biết mình không vô vị, vì mình đã từng như vậy, chỉ là mình hay xuất hiện khi người ta khát, người ta vừa qua một cơn say, nên mình là thứ giải rượu, cho người ta sự yên bình. Và rồi họ mặc nhiên nghĩ mình chỉ là nước, không hơn không kém.

Sau cùng, rồi cũng sẽ có những người trân trọng từng cốc nước, từng ngụm sảng khoái nó đem lại, dù rằng người ta không thiếu thốn, người ta ổn. Mình biết mình là thứ healthy, mình có thể mix với mấy vị hoa quả khác, và mình sẽ không cố trở thành một thứ nhấtt thời nào đó, có thể giờ sẽ có ít người nhận ra. Nhưng mình tinminhf sẽ tìm được một người trân trọng từng thứ nhỏ bé ở cuộc sống. Không phải vì họ không thể tận hưởng những thứ cao sang, mà là họ biết được giá trị thực sự của từng giọt nước.

Đợi nhé, còn mình đi pha thêm ít muối cho đời mình đây.